Thịt lợn là nguồn thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng với cách chế biến đơn giản nên được nhiều gia đình lựa chọn sử dụng. Hôm nay Điện máy XANH muốn chia sẻ với bạn các mẹo vào bếp về cách chọn thịt lợn ngon, an toàn. Còn có cách khử mùi và cách bảo quản thịt lợn (heo) chuẩn nhất. Vào bếp thôi nào!
1. Cách chọn thịt lợn (thịt heo) ngon, sạch
Về màu sắc
Bạn nên chọn những miếng thịt lợn tươi mới có màu sắc sáng, màu thịt ngon sẽ là màu hồng nhạt hay đỏ nhạt, phần mỡ sẽ có màu trắng trong hơi ngà ngà.
Dùng dao cắt thử miếng thịt theo chiều dọc sẽ thấy thớ thịt hơi se lại, bề mặt ráo, lớp bì mềm, đây là thịt tươi ngon.
Tránh chọn những phần thịt có màu sắc lạ, màu sắc nhợt nhạt, hoặc màu quá sậm. Bề mặt thịt bóng loáng, chạm vào thấy hơi nhớt ở đầu ngón tay thì tuyệt đối không nên mua.
Về mùi
Thịt ngon khi ngửi thử sẽ có mùi thơm đặc trưng của thịt, mùi này không gây khó chịu, không có mùi tanh hôi hăng mũi.
Những miếng thịt đã có mùi lạ, có mùi tanh hôi, hay mùi ôi thiu là thịt đã hỏng, không được bảo quản trong điều kiện thích hợp.
Về độ đàn hồi
Dùng tay ấn thử vào miếng thịt thấy thịt đàn hồi tốt, sau khi rút tay về thịt trở lại hình dáng ban đầu, trên mặt thịt không tồn tại vết lõm là thịt tươi ngon.
Lúc chạm vào thấy thớ thịt săn chắc, không quá cứng cũng không bị nhão, không có dịch nhớt chảy ra thì có thể chọn mua.
Về lớp mỡ, da
Lợn được nuôi trong điều kiện bình thường sẽ có lớp mỡ dày khoảng 1.5 – 2 lóng tay, bạn có thể dễ dàng quan sát lớp mỡ và da dày như là đặc điểm đơn giản nhất để nhận dạng thịt lợn không bị nuôi thúc trọng lượng.
Nên chọn những miếng thịt lợn có kết cấu thịt, mỡ riêng biệt, nhưng phải dính chặt vào nhau, dùng tay chạm vào thấy khó tách rời.
Những miếng thịt có mỡ và thịt nạc rời nhau, dùng tay chạm vào có dịch vàng chảy ra là lợn được nuôi bằng chất tạo nạc, không nên mua.
2. Dấu hiệu nhận biết thịt lợn (heo) bệnh
Bên cạnh những đặc điểm nhận dạng thịt lợn tươi ngon, bạn cũng cần tìm hiểu thêm về những dấu hiệu cho thấy thịt lợn đang mắc bệnh, giúp bạn lựa chọn được những miếng thịt tươi ngon nhất.
Một số đặc điểm nhận dạng cơ bản như:
Đặc điểm dễ dàng quan sát nhất là thịt lợn đã có mùi tanh hôi, ôi thiu gây khó chịu khi ngửi phải, bề mặt thịt chạm vào thấy nhớt và thịt có màu sắc lạ.
Trên bề mặt lớp da lợn xuất hiện các đốm lạ với màu sắc khác nhau, có thể là các đốm đỏ, đốm màu xanh tím hay màu son với kích thước khác nhau.
Quan sát thấy các vết tụ máu lớn, vết bầm tím hay các vết xuất huyết lấm tấm trên da, đây là dấu hiệu cho thấy lợn bị thương hàn hay bị tụ huyết trùng.
Khi cắt thử thịt lợn thấy bên trong thịt có những hạt nhỏ mang hình dáng như hạt gạo, loại này được gọi là ấu trùng sán, là một loại giun sán gây nguy hiểm cho cơ thể nếu dùng phải.
Những miếng thịt có màu sắc nhợt nhạt, thịt nhão mềm, chạm vào chảy dịch, càng rửa thì màu càng nhạt và có mùi tanh hôi thì đây là thịt đã bị ướp qua hàn the.
Dưới da hoặc trên vành tai xuất hiện các đốm đỏ li ti, lấm tấm như vết muỗi đốt là do thịt lợn bị tả.
Ngoài ra còn có thịt lợn bị nhiễm màu vàng là biểu hiện của bệnh viêm gan.
3. Cách khử mùi thịt lợn (thịt heo)
Trần (chần) qua nước sôi
Thịt lợn mua về làm sạch, cho vào nồi chứa sẵn nước sạch sao cho nước vừa ngập mặt thịt. Bắc nồi lên bếp, đun sôi trong khoảng 2 – 3 phút, nhanh tay vớt hết thịt ra, rửa lại với nước sạch là có thể khử mùi hiệu quả.
Mách bạn:
- Không nên chần thịt lợn trong nước quá lâu sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị thịt, giảm độ ngọt tự nhiên.
- Khi luộc có thể thêm vào nước vài gốc sả đập dập, ít lát gừng hoặc 1 ít rượu trắng, sẽ là tăng tác dụng khử mùi.
Ngâm trong nước muối loãng
Một cách thông dụng và được sử dụng thường xuyên hơn là dùng muối hạt hòa tan trong nước, cho hết thịt lợn đã làm sạch vào ngâm từ 10 – 15 phút. Khi đủ thời gian vớt thịt ra rửa sạch lại dưới vòi nước đang chảy là được.
Lúc ngâm có thể cho vào vài lát gừng đập dập, hoặc 1 vài giọt rượu trắng, giúp làm sạch miếng thịt của bạn tốt hơn.
Sử dụng các nguyên liệu khử mùi
Các nguyên liệu như hành khô/ rượu trắng/ giấm ăn/ gừng/ sả/.. là các nguyên liệu có tác dụng khử sạch mùi tanh hôi tự nhiên của thịt lợn.
Khi chuẩn bị nước luộc sơ thịt lợn, bạn có thể thả thêm vào nồi nước và chần sơ thịt trong khoảng 2 – 3 phút là được.
Sử dụng rơm
Bạn cũng có thể chuẩn bị nước chần thịt, thả thịt vào nồi đun sôi khoảng 2 – 3 phút, trong lúc chần thả vào nồi thêm 3 – 5 cọng rơm. Khi đủ thời gian vớt hết thịt ra, thịt sẽ giữ nguyên hương vị tươi ngon và mất đi mùi tanh hôi hoàn toàn.
4. Cách bảo quản thịt lợn (heo)
Thịt lợn mua về chưa sử dụng đến nên được bảo quản đúng cách, giúp thịt giữ được độ tươi ngon vốn có lâu hơn. Bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:
Bảo quản thịt trong tủ lạnh
Thịt lợn mua về sau khi làm sạch hoàn toàn chờ đến khi thịt ráo nước cho vào túi nilong bịt kín. Đặt trong ngăn đá tủ lạnh, ở mức nhiệt độ -17 đến – 18 độ C. Với mức nhiệt độ này bạn hoàn toàn có thể giữ thịt tươi sống từ 4 đến 12 tháng.
Tuy nhiên nếu chỉ đặt ở ngăn mát, với mức nhiệt cao hơn thường là từ mức 1 đến 3 độ C, thịt chỉ giữ được độ tươi mới trong khoảng 5 ngày.
Đối với thịt lợn đã qua chế biến, được xem là thịt chín, bạn cần cho hết vào hộp đậy kín hoặc dùng màng bọc thực phẩm gói lại cẩn thận. Khi đặt trong ngăn đông tủ lạnh có thể giữ được chất lượng thịt trong khoảng 2 – 6 tháng, với mức nhiệt – 15 đến – 18 độ C.
Trong điều kiện nhiệt độ từ 4 – 5 độ C, nhiệt độ ở ngăn mát giúp thịt bảo quản tốt từ 3 – 4 ngày tiếp theo.
Lưu ý:
- Khi bảo quản thịt nên rửa tay thật sạch để hạn chế tối đa sự xâm nhập của vi khuẩn vào thịt.
- Tốt nhất nên dùng máy hút chân không, hút sạch không khí trong túi nilong/ hộp để bảo quản thịt lâu hơn.
- Tuyệt đối không đặt thịt chín và thịt sống gần nhau, sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ mạnh hơn làm ảnh hưởng chất lượng thịt một cách nhanh chóng.
Bảo quản thịt không cần tủ lạnh
Nếu không có tủ lạnh, bạn cũng có thể bảo quản thịt lợn với điều kiện nhiệt độ không khí bình thường bằng một số cách, tuy nhiên đây chỉ là phương pháp tạm thời giúp bạn bảo quản thịt lợn trước khi chế biến từ 3 – 5 giờ thôi nhé.
Nào xem ngay các cách bảo quản thịt lợn không cần tủ lạnh sau đây:
Dùng giấm ăn
Dùng giấm ăn để rửa thịt, sau đó lấy 1 chiếc khăn sạch thấm đều giấm rồi bọc kín miếng thịt lợn lại. Cách này giúp bảo quản thịt trước sự xâm nhập của vi khuẩn gây hư hỏng thịt.
Dùng mật ong
Mật ong có tác dụng tích cực trong việc duy trì hương vị thịt cũng như giúp bảo quản thịt mà không cần dùng đến tủ lạnh. Thịt sau khi làm sạch, cắt thành từng miếng, thoa đều lên cả 2 mặt một lớp mỏng mật ong.
Sau cùng mang đi phơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ để đến khi chế biến lấy ra dùng.
Dùng tiêu
Thịt mua về rửa sạch cho vào hộp, rắc lên trên mặt thịt 1 lớp tiêu xay sẽ giúp thịt bảo quản lâu hơn, khi ăn lại dễ dàng bảo quản, chỉ cần đặt ở nơi thoáng gió là được.
Dùng muối
Cách cuối cùng là dùng muối, ướp đều lên miếng thịt, treo ở nơi thoáng mát, sạch sẽ để bảo quản thịt. Khi dùng chỉ cần rửa lại nhiều lần để khử đi vị mặn của muối là có thể chế biến bình thường.
Hy vọng với các thông tin hữu ích về cách chọn thịt lợn ngon, an toàn, cách khử mùi, bảo quản thịt lợn (heo) mà Điện máy XANH vừa chia sẻ có thể giúp bạn thực hiện được những bữa ăn ngon cho gia đình thưởng thức. Chúc bạn thành công với các món ngon của riêng mình nhé!